
Theo Tổng cục Thuế thời gian đầu có vướng mắc liên quan đến phần mềm, đường tuyền, tuy nhiên, Tổng cục Thuế và các tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử, lưu trú đường truyền đã thường xuyên nâng cấp ứng dụng và giải đáp thắc mắc của người nộp thuế tại 6 tỉnh, thành phố và cơ bản đạt kết quả đề ra.
Chiều ngày 1/12/2021, Thời báo Tài chính Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Lợi ích của hoá đơn điện tử".
Ngày 17/9/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Để thực hiện theo quy định của Luật, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình triển khai hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai tại 6 tỉnh, thành phố là: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định. Giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022 thực hiện tại 57 tỉnh, thành phố còn lại. Hiện giai đoạn 1 đã chính thức được triển khai từ tháng 11 và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân và doanh nghiệp.
Để chính sách quản lý hóa đơn điện tử được hoàn thiện như hôm nay, ngành Thuế đã trải qua thời gian khá dài để hoàn thiện các quy định liên quan, cũng như đưa hóa đơn điện tử vào áp dụng trong thực tế.
Việc đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử của ngành Thuế hiện nay cũng phù hợp với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc…
Đối với Tổng cục Thuế, việc đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống chính là một trong những điểm nhấn quan trọng của quá trình chuyển đổi số ngành Thuế hiện nay.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến, đại diện Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp cung cấp hóa đơn sẽ chia sẻ về những quy định liên quan đến hóa đơn điện tử tại các văn bản pháp luật về thuế mới ban hành; phân tích điểm khác và nổi bật so với các quy định trước đây; lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp,…

Bước đầu kết quả là rất khả quan, mặc dù có một số vướng mắc trong giai đoạn đầu liên quan đường truyền, giải pháp phần mềm tuy nhiên cả cơ quan thuế và các tổ chức cung cấp giải pháp, tổ chức kết nối đều đã thường xuyên nâng cấp ứng dụng, giải đáp thường xuyên thắc mắc cho doanh nghiệp đảm bảo việc lập hóa đơn điện tử để gửi đến cơ quan thuế để cấp mã diễn ra nhanh chóng.
Đến nay, Tổng cục Thuế đã đăng tải công khai thông tin của 40 tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Mời quý vị truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, chọn mục hóa đơn điện tử sau đó sẽ thấy có phần tổ chức cung cấp giải pháp về hóa đơn.
Về tiêu chí tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử thì tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 78 ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính quy định về tiêu chí tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã như sau: Về chủ thể: Là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thành lập theo pháp luật Việt Nam; Thông tin về dịch vụ hóa đơn điện tử được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức. Về nhân sự: Có tối thiểu 5 nhân sự trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin. Về kỹ thuật: Có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu:
+ Cung cấp giải pháp khởi tạo, xử lý, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã cho người bán và người mua theo quy định của pháp luật về hoá đơn điện tử và pháp luật khác có liên quan;
+ Có giải pháp nhận, truyền dữ liệu hóa đơn điện tử với người sử dụng dịch vụ; giải pháp truyền, nhận dữ liệu hoá đơn điện tử với cơ quan thuế thông qua tổ chức nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hoá đơn điện tử. Thông tin quá trình nhận, truyền dữ liệu phải được ghi nhật ký để phục vụ công tác đối soát;
+ Có giải pháp sao lưu, khôi phục, bảo mật dữ liệu hóa đơn điện tử;
+ Có tài liệu kết quả kiểm thử kỹ thuật thành công về giải pháp truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử với tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử.

Trước đây, nhiều DN lo ngại lộ trình ngắn quá nhưng thời gian vừa rồi đã có bước chuẩn bị tốt. Lợi ích của hóa đơn điện tử, chúng ta đã nói nhiều, nhất là với các DN làm việc đàng hoàng nghiêm túc.
Lợi ích thấy rõ nhất là sẽ tránh tình trạng gian lận, mua bán hóa đơn, tránh việc sử dụng hóa đơn bất hợp phát, giúp tiết kiệm chi phí phát hành lưu giữ cũng như công tác có liên quan như hoàn thuế. Với các công ty bán lẻ hay các tổ chức giao dịch nhiều cái nhỏ thì ứng dụng hóa đơn rất thuận tiện cho việc quản trị, tiết kiệm chi phí và giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn.
Về tổng thể nó tạo chuyển động quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hi vọng các cơ quan khác cũng đồng hành xu hướng này để việc áp dụng hoá đơn điện tử thuận lợi, tránh sau này gặp trục trặc thực tế.

Quang Minh