
Portal Bộ Tài chính đưa tin:
Kịp thời hỗ trợ gạo DTQG cho nhân dân trước Tết Nguyên đán 2016: Ngay từ những ngày đầu của năm 2016, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã gấp rút lên kế hoạch chuẩn bị triển khai nhiệm vụ của năm. Để kịp thời mang gạo hỗ trợ cho người dân trước tết, Tổng cục đã nhanh chóng tổng hợp nhu cầu đề nghị hỗ trợ gạo cho các địa phương dịp tết Nguyên đán để trình Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ kịp thời hỗ trợ theo quy định. Ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết: Trong năm 2015, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp lượng thực dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương dịp Tết Nguyên đán, thời gian giáp hạt, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, Dự án trồng rừng và hỗ trợ học sinh các địa phương theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên 108.128 tấn. Trong đó, hỗ trợ Tết Nguyên đán 13.063 tấn, giáp hạt và hạn hán, bão lụt: 20.844 tấn; Hỗ trợ dự án trồng rừng 5.469 tấn; hỗ trợ cho học sinh theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ 68.752 tấn gạo (Học kỳ II năm học 2014÷2015: 28.889 tấn gạo; học kỳ I năm học 2015 - 2016: 39.863 tấn gạo).
Xem chi tiết:
Thời báo Tài chính Việt Nam đưa tin:
Tái cơ cấu ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững: Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, thu NSNN giai đoạn 2011-2015 đã đạt được kết quả tích cực; quy mô thu NSNN bằng khoảng 2 lần giai đoạn 2006-2010 và bằng hơn 5 lần giai đoạn 2001-2005. Báo cáo tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng về chủ đề "Tái cơ cấu ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Nghị quyết Đại hội XI giao ngành Tài chính thực hiện 4 nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ cấu ngân sách quan trọng. Trong đó, Nghị quyết của Đại hội XI đặt ra tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước (NSNN) trong 5 năm ( 2011- 2015) đạt 23 - 24% GDP.
Xem chi tiết:
Thủ tướng ghi nhận thành tích cải cách hành chính thuế, hải quan: Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về kết quả của Bộ Tài chính thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016. Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và ghi nhận những thành tích, kết quả, sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2016. Đồng thời Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đánh giá sâu về các tồn tại, hạn chế; nguyên nhân, bài học rút ra từ kết quả đạt được cũng như các mặt còn tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính thuế, hải quan thời gian qua và những đánh giá, kiến nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp, Ngân hàng Thế giới (WB)... về thủ tục hành chính thuế, hải quan để đề ra biện pháp tổ chức, thực hiện năm 2016 cho phù hợp, đảm bảo đạt kết quả cụ thể trên thực tế tại cơ quan Thuế, Hải quan ở cơ sở và ở doanh nghiệp.
Xem chi tiết:
Nghịch lý đáng mừng của ngành hải quan: Tại Cục Hải quan TP.HCM, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa giảm từ 16% (năm 2014) xuống còn 5,54%, nhưng phát hiện vi phạm tăng từ 0,23% (năm 2014) lên 1,15%. Đây là những con số đáng chú ý sau một thời gian đơn vị này đẩy mạnh triển khai việc quản lý rủi ro nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, theo chủ trương chung của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính. Quản lý rủi ro được hiểu là việc cơ quan quản lý phân loại doanh nghiệp theo các mức độ tuân thủ luật pháp, trên cơ sở đó tiến hành kiểm tra theo hướng các doanh nghiệp chấp hành tốt sẽ ít bị kiểm tra hơn hoặc không bị kiểm tra, trong khi tăng cường kiểm tra với các doanh nghiệp từng vi phạm. Điều này có nghĩa là công tác kiểm tra sẽ tập trung hơn chứ không dàn trải như trước đây, đồng thời cũng công bằng hơn với doanh nghiệp.
Xem chi tiết:
5.000 văn bản vướng mắc về hải quan đã được xử lý: Ngày 22/1, Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh tham dự và phát biểu tại hội nghị. Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh đã biểu dương những thành tích đã đạt được của Cục Giám sát quản lý hải quan trong năm 2015, khi đơn vị đã hoàn thành có hiệu quả toàn diện trên các mặt công tác: tham mưu, xây dựng chính sách cho Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nhiều đề án quan trọng hướng dẫn Luật Hải quan 2014; thực hiện cải cách hành chính, thông thoáng cho hoạt động XNK theo Nghị quyết 19/NĐ-CP…
Xem chi tiết:
Thợ xây dựng phải nộp thuế TNCN nếu thu nhập trên 100 triệu đồng/năm: Ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, theo Thông tư 92/2015/TT-BTC, nếu cá nhân làm nghề xây dựng có tổng doanh thu 100 triệu đồng/năm (năm dương lịch) thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Cụ thể, theo Thông tư 92, cá nhân nộp thuế từng lần phát sinh phải khai thuế GTGT và thuế TNCN theo từng lần phát sinh nếu có tổng doanh thu trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng. Ông Cao Anh Tuấn dẫn chứng, sở dĩ cá nhân làm nghề xây dựng có thể phải khai và nộp thuế GTGT và thuế TNCN vì, theo Thông tư 92 quy định, cá nhân kinh doanh phải nộp thuế theo từng lần phát sinh bao gồm: Cá nhân cư trú có phát sinh doanh thu khi kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Xây dựng quy trình chuẩn xác định nghĩa vụ tài chính đất đai: Tổng cục Thuế vừa có dự thảo hướng dẫn các bước xử lý hồ sơ liên thông giữa cơ quan Thuế và Tài nguyên Môi trường nhằm xác định nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình liên quan đến đất đai. Tổng cục Thuế cho biết, để các bộ phận của cơ quan Thuế có cơ sở thực hiện các bước quản lý, luân chuyển hồ sơ đối với việc xác định nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, Tổng cục Thuế đã dự thảo công văn hướng dẫn trình tự các bước triển khai đối với hồ sơ liên thông để các cục thuế thí điểm (7 cục thuế) thực hiện. Tuy nhiên, trước khi có công văn chính thức; trên cơ sở thực tiễn vận hành tại địa phương, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế cho ý kiến trên cơ sở công văn dự thảo để hoàn thiện văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện chung.
Kiểm tra phế liệu nhập khẩu là cần thiết: Trước kiến nghị của Hiệp hội Giấy về Bột giấy Việt Nam về việc tăng cường kiểm tra hàng hóa là phế liệu NK, gây khó khăn cho các DN ngành giấy, Tổng cục Hải quan cho biết, phế liệu là mặt hàng nhạy cảm, không thuộc diện được miễn kiểm tra, điều này cũng phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, trong các văn bản hướng dẫn của đơn vị thì phế liệu là mặt hàng nhạy cảm không thuộc diện được miễn kiểm tra, việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện tại hải quan cửa khẩu nhập; không được chuyển về nhà máy, cơ sở sản xuất để kiểm tra.